Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (10-16/7)
10/07/2018, 07:20 (GMT+7)
Tại các tỉnh phía Bắc, trứng sâu đục thân 2 chấm tiếp tục nở, sâu non gây hại dảnh héo trên mạ và lúa mùa cực sớm – sớm, lúa sạ.
1. Trên lúa
Các tỉnh phía Bắc:
Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ và sâu cuốn lá nhỏ hại diện hẹp trên mạ và lúa mùa cực sớm – sớm, lúa sạ. Ốc bươu vàng, tuyến trùng, chuột hại tăng; sâu năn, ruồi, bệnh đạo ôn lá… tiếp tục gây hại.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ:
Bệnh lùn sọc đen tăng trên lúa Hè Thu tại Nghệ An và có khả năng phát sinh tại các tỉnh có rầy lưng trắng phản ứng dương tính với virus gây bệnh lùn sọc đen (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị). Chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng… gây hại xu hướng tăng trên lúa mới gieo sạ đến đẻ nhánh rộ.
Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên:
Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đen lép hạt, bệnh khô vằn… hại cục bộ trên lúa Xuân Hè, lúa Hè Thu ở giai đoạn chín đến thu hoạch. Bệnh đạo ôn lá hại nhẹ rải rác trên lúa Hè Thu sớm và lúa mùa ở Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh đồng bằng. Bệnh đạo ôn cổ bông hại nhẹ ở giai đoạn lúa trỗ đến chắc xanh.
Các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL:
Rầy nâu: Kiểm tra kỹ ruộng lúa, khi rầy cám nở rộ tuổi 2 – 3 với mật số cao phun trừ bằng một trong các loại thuốc chống lột xác, không phối hợp với thuốc trừ sâu để phun xịt cho lúa dưới 40 ngày sau sạ.
Bệnh đạo ôn: Phát triển thuận lợi ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ. Bệnh bạc lá: Có khả năng phát triển trên các trà lúa ở giai đọan cuối đẻ nhánh đến trỗ.
Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng gây hại trên lúa ở giai đoạn mạ; bệnh bạc lá ở giai đoạn đòng trỗ, bệnh đen lép hạt, chuột ở giai đoạn trỗ đến chín.
2. Trên cây trồng khác
Bọ nhảy, sâu tơ, sâu xanh, dòi đục lá… trên cây rau màu, bệnh chổi rồng trên cây nhãn, bệnh đốm nâu trên cây thanh long, bệnh greening trên cây có múi, tuyến trùng hại rễ và bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu, bọ xít muỗi và thán thư trên cây điều, bọ cánh cứng và vòi voi trên cây dừa, bệnh khô cành và gỉ sắt trên cây cà phê, bệnh khảm lá virus trên cây sắn, bệnh trắng lá và nhện đỏ trên cây mía… tiếp tục gây hại.
Nguồn “CỤC BVTV”.