PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI LÚA

1. Bọ trĩ
Tên khoa học: Stenchaetothrips biformis
Đặc điểm hình thái  
Bọ trĩ trưởng thành cơ thể nhỏ, có màu nâu đen, râu đầu dài, 2 đuôi cánh hẹp, cánh trước ở phần giữa thắt lại. Trứng đẻ rải rác trong mô lá, màu trắng sữa, gần nở có màu vàng nhạt. Bọ trĩ non không cánh màu vàng nhạt.
Phát sinh gây hại
– Bọ trĩ sống và gây hại trong lá nõn hoặc các chóp lá quăn do không ưa ánh sáng trực xạ. Khi trời râm mát chúng bò ra ngoài, khi bị khua động chúng lẩn tránh sang lá khác hoặc giả chết rơi xuống đất.
– Bọ trĩ trưởng thành và bọ non đều hút nhựa làm cho lá lúa bị cuốn lại ở chóp, lá héo, tóp lại và khô vàng. Bọ trĩ gây hại ngay từ khi cây lúa xuất hiện, mật độ tăng dần khi lúa hồi xanh đến đẻ nhánh sau đó giảm dần tới lúc lúa trổ. Trời mưa lớn làm giảm mật độ bọ trĩ.
– Bọ trĩ thường hại nặng trên những ruộng thiếu nước.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại.
– Gieo sạ mật độ vừa phải, giữ nước không để ruộng khô.
– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phun thuốc kịp thời. Dùng các loại thuốc Methoxam 330WP/Arafat (8g/25 lít nước), Ace.Bio 30WP/Afeno (18g/25 lít nước) phun khi bọ trĩ phát sinh rộ.

2. Sâu cuốn lá nhỏ
Tên khoa học: Cnaphalocrosis medinalis
Đặc điểm hình thái
– Trưởng thành, mép trước của cánh trước có màu nâu vàng, có hai vệt xiên màu nâu đen từ trên mép cánh xuống 2/3 cánh.
– Trứng hình bầu dục có vân mạng lưới rất nhỏ, đẻ từng quả ở mặt trên và mặt dưới lá, trứng mới đẻ có màu hơi đục khi gần nở chuyển màu ngà vàng.
– Sâu non có 5 tuổi, mới mở màu trắng trong, đầu có màu nâu đen, khi lớn cơ thể chuyển màu xanh lá mạ – màu vàng, đầu màu nâu sáng.
– Nhộng màu vàng – nâu đậm, thường thấy trong lá bị cuốn.
Phát sinh gây hại
– Sâu non nhả tơ cuốn dọc lá thành bao thẳng đứng và nằm trong đó ăn phần chất xanh trên mặt lá, để lại lớp màng trắng làm giảm diện tích quang hợp.
– Sâu gây hại từ khi lúa đẻ nhánh tới khi lúa ngậm sữa. Quan trọng nhất là giai đoạn lúa đẻ nhánh làm đòng. Những năm có khí hậu mát mẻ, ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ thường phát sinh nặng.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ cỏ dại (nơi trú ngụ qua đông của sâu).
– Gieo cấy mật độ thích hợp, chăm sóc bón phân hợp lý.
– Bẫy đèn diệt bướm và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng.
– Khi sâu non có mật độ 9-12 con/m2 (giai đoạn đẻ nhánh) và 6-9 con/m2 (giai đoạn làm đòng) cần phun thuốc. Dùng các loại thuốc Methoxam 330WP/Arafat (12g/25 lít nước), Miktox 2.0EC (10ml/25 lít nước), phun khi sâu non tuổi 1-2 hoặc sau khi thấy bướm rộ 6 – 7 ngày.

3. Sâu đục thân 2 chấm  
Tên khoa học: Scirpophaga incertulas
Đặc điểm hình thái
– Trưởng thành màu trắng vàng, mắt kép to đen. Cánh trước hình tam giác, mỗi bên có một chấm đen rất rõ. Cuối bụng có chùm lông màu vàng nhạt. Khi đậu có hình khum như mái nhà.
– Trứng đẻ theo ổ, hình bầu dục ở giữa hơi gồ lên, có lớp lông tơ màu vàng phủ bên ngoài.
– Sâu non có màu trắng sữa hoặc vàng nhạt, sâu tuổi 1 đầu có màu đen, tuổi 2 đến tuổi 5 có màu nâu.
– Nhộng mầu vàng nhạt, nằm trong thân lúa.
Phát sinh gây hại
– Thời kỳ cây con hoặc đẻ nhánh, sâu đục qua bẹ phía ngoài vào đến nõn giữa phá hại làm cho dảnh lúa bị héo.
– Thời kỳ sắp trổ hoặc mới trổ, sâu đục qua lá bao của đòng chui vào giữa rồi bò xuống đục ăn điểm sinh trưởng, cắt đứt các mạch dẫn dinh dưỡng làm cho bông lép trắng.
– Điều kiện nhiệt độ ấm nóng và ẩm độ cao thích hợp cho sâu phát sinh gây hại.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng: Cày lật gốc rạ, phơi ải sau khi thu hoạch.
– Bón phân cân đối, hợp lý
– Dùng bẫy đèn bắt trưởng thành, ngắt ổ trứng đem tiêu hủy.
– Khi mật độ ổ trứng khoảng 0,3 ổ/m2 cần tiến hành phun thuốc Smash 45EC (60ml/25 lít nước). Nếu mật độ ổ trứng cao hơn nên phun lần 2 cách lần 1 từ 4 – 5 ngày.

4. Rầy nâu
Tên khoa học: Nilaparvata lugens
Đặc điểm hình thái
– Rầy trưởng thành có màu nâu tối, con đực nhỏ hơn con cái. Có 2 dạng rầy trưởng thành: loại cánh dài và loại cánh ngắn.
– Trứng hình bầu dục hơi cong giống hình quả chuối, trứng mới đẻ có màu trắng sữa, sau biến thành màu vàng xám, trước khi nở 3 – 5 ngày phía đầu có điểm mắt màu nâu đỏ.
– Rầy non rất linh hoạt, mới nở có màu xám trắng, tuổi 2-3 trở lên có màu nâu vàng, trong điều kiện mật độ cao có màu nâu xẫm.
Phát sinh gây hại
– Rầy sinh sống và gây hại chủ yếu nơi gốc lúa. Rầy dùng vòi để chích hút nhựa cây, vết chích trên thân, lá khô cứng làm cản trở sự luân chuyển nước và chất dinh dưỡng làm thân, lá bị khô héo. Ngoài gây hại chích hút nhựa cây lúa, rầy nâu còn truyền bệnh virus…
– Rầy có thể gây hại từ giai đoạn sạ đến khi sắp thu hoạch. Ruộng bị cháy rầy thành từng chòm, nơi lúa mọc tốt, rậm rạp hay gần nơi có ánh sáng đèn vào ban đêm.
– Rầy nâu thích hợp với điều kiện khí hậu nóng, ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ.
Biện pháp phòng trừ
– Sử dụng giống kháng rầy nâu.
– Gieo cấy mật độ thích hợp, bón phân cân đối, thả vịt vào ruộng lúa diệt rầy.
– Khi mật độ rầy cám từ 18- 27 con/khóm lúa cần phun thuốc diệt rầy: Lotoshine 400WP (5g/25 lít nước), Tvpymemos 650WP (18g/25 lít nước).

5. Nhện gié
Tên khoa học: Steneotarsonemus spinki
Đặc điểm hình thái và sinh học
– Nhện trưởng thành có kích thước rất nhỏ khoảng 0,2 – 1mm, trong suốt hoặc màu nâu sáng, có 8 chân.
– Trứng rất nhỏ, màu trắng đục, được đẻ trong bẹ lá phía trên mặt nước, các trứng không được thụ tinh sẽ nở ra nhện đực.
– Nhện non có 3 cặp chân. Nhện non ngừng hoạt động trước khi chuyển sang trưởng thành.
– Vòng đời nhện gié từ 10 – 12 ngày: Trứng 1-2 ngày, nhện non 4-5 ngày, trưởng thành 4-5 ngày.
Phát sinh gây hại
– Nhện gié gây hại cho lúa quanh năm, nhưng nhiều nhất là vụ hè thu khi điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn, ruộng gieo sạ quá dày, bón nhiều phân đạm.
– Nhện gié gây hại từ khi gieo mạ đến trổ chín và trên mọi bộ phận của cây lúa như bẹ lá, gân lá, gié lúa và trong hạt lúa.
– Khi lúa còn nhỏ, nhện gié chích hút bên ngoài bẹ hoặc vị trí tiếp giáp giữa bẹ và thân cây. Vết hại lúc đầu là các chấm màu trắng vàng, sau lan rộng tạo thành những đám trông như vết cạo gió màu nâu hoặc nâu đen.
– Giai đoạn lúa làm đòng nhện gié đục vào bên trong và sống ở mô bẹ lá và gân lá, tạo thành nhiều sọc dài màu tím chạy dọc theo bẹ lá làm cho lá có màu thâm đen. Nếu bị hại nặng, lúa không trổ thoát, hạt lúa bị biến dạng, lép, lửng nhiều.
– Khi lúa trổ chín, nhện gié chích hút làm cuống bông, cuống gié, bông lúa và hạt lúa biến màu từ vàng nhạt sang vàng nâu rồi nâu đen.
Biện pháp phòng trừ
– Rải rơm đốt đồng trước khi làm đất nếu là vùng thường xuyên có nhện gié xuất hiện.
– Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc diệt sạch cỏ bờ, lúa chét, lúa rày.
– Sạ lúa theo hàng với mật độ vừa phải, bón phân cân đối giữa đạm-lân-kali.
– Cung cấp đủ nước cho ruộng lúa.
– Luân canh với cây trồng cạn để cắt đứt vòng đời của nhện gié.
– Khi nhện xuất hiện cần phun thuốc sớm từ thế hệ đầu tiên mới có hiệu quả cao. Sử dụng Ratoin 5WG (8g/25 lít nước), Miktox 2.0EC (10ml/25 lít nước). Trước khi phun thuốc cần nâng mực nước ruộng để đẩy nhện gié di chuyển lên phía trên.

6. Muỗi hành
Tên khoa học: Orseolia oryzae
Đặc điểm hình thái và sinh học
– Trưởng thành là loài muỗi nhỏ, dài khoảng 3-5 mm, bụng màu hồng nhạt. Trứng rất nhỏ, màu trắng, trước khi nở có màu vàng. Ấu trùng giống như con dòi, mình dẹt, màu trắng sữa, dài 4-5 mm. Nhộng màu hồng, dài 4-5 mm, nằm trong ống hành.
– Vòng đời của muỗi hành từ 25-30 ngày, trong đó trứng: 3-4 ngày, sâu non: 15-18 ngày, nhộng: 4-5 ngày, trưởng thành: 2-3 ngày.
Phát sinh gây hại
– Muỗi hành hoạt động về đêm, sức bay yếu nên thường tập trung từng khu vực. Ấu trùng mới nở sống trong nước hoặc sống nhờ sương, nước mưa. Sau đó chui qua bẹ lá đục vào đỉnh sinh trưởng.
– Khi chích hút đỉnh sinh trưởng, ấu trùng tiết ra nước bọt kích thích bẹ của lá non nhất mọc dài ra thành ống tròn màu xanh lá hơi nhạt, còn phiến lá chỉ là một mảnh nhỏ ở đầu ống. Khoảng 7 ngày sau khi bị tấn công ống lúa sẽ mọc dài ra và tròn giống như cọng hành (hoặc cọng năn). Khi sắp hoá nhộng ấu trùng bò lên ngọn lá hành đục một lỗ nhỏ nằm ở đó và hoá muỗi chui ra ngoài để lại vỏ nhộng dính trên ống hành.
– Thời tiết mưa nhỏ, sương mù, ngày nắng yếu hoặc trời có mây âm u, ẩm độ 85%-95%, nhiệt độ 26-30oC là điều kiện thuận lợi cho muỗi hành phát triển.
Biện pháp phòng trừ
– Làm đất kỹ, vùi lấp lúa rài, lúa chét và cắt bớt cỏ bờ trước khi gieo sạ.
– Gieo sạ đồng loạt.
– Thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện thành trùng và ống hành mới xuất hiện cần phun thuốc sớm vào giai đoạn lúa 20-25 ngày tuổi Checsusa 500WP (30g/25 lít nước).

7. Bệnh đạo ôn
Tác nhân: Do nấm Pyricularia oryzae gây ra.
Triệu chứng
Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, thân, cổ bông, cổ gié hoặc hạt lúa. Trên lá ban đầu là những chấm nhỏ màu xám xanh . Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, ở giữa vết bệnh màu xám tro, xung quanh nâu đậm, phần tiếp giáp với mô khoẻ có màu nâu nhạt. Khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau làm cho lá bị cháy. Nguy hiểm nhất là khi nấm tấn công trên cổ bông và cổ gié, làm cho toàn bộ bông hoặc gié bị khô và gãy gục…
Đặc điểm phát sinh, phát triển bệnh
– Bệnh phát sinh quanh năm nhưng gây hại nặng trong vụ Đông Xuân.
– Trong điều kiện trời âm u, ít nắng, thời tiết mát, ẩm độ cao, kết hợp đêm có sương mù nhiều thì bệnh phát triển mạnh. Bệnh thường gây hại nặng trên những ruộng sử dụng bằng giống lúa nhiễm bệnh, gieo sạ dày, bón phân không cân đối và thừa đạm…
Biện pháp phòng trừ
– Chọn giống kháng bệnh, xử lý hạt giống trước khi gieo sạ
– Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh vụ trước, dọn sạch cỏ dại quanh bờ…
– Không gieo sạ quá dày.
– Bón phân cân đối hợp lý, đúng giai đoạn, không bón đạm tập trung vào thời kỳ lúa dễ nhiễm bệnh. Khi có bệnh phải tạm tiến hành phun thuốc phòng trừ. 
– Khi bệnh chớm xuất hiện ngừng bón thúc đạm và phun Trizim 650WP (40 – 50g/25 lít nước). Nếu bệnh phát triển mạnh thì có thể phun lại sau 5 – 7 ngày.

8. Bệnh khô vằn 
Tác nhân: Do nấm Rhizoctonia solani gây ra.
Triệu chứng                                                       
Vết bệnh có màu xám, bên ngoài có viền mầu nâu, hình bầu dục, sau đó lan rộng ra và liên kết lại tạo thành những đốm vằn vện như da beo. Khi bị nặng, cả bẹ lá và lá phía trên bị chết lụi.
Đặc điểm phát sinh, phát triển bệnh
– Hạch nấm lưu tồn trong đất, rơm rạ từ vụ trước, các loại cỏ dại trên bờ ruộng, nguồn nước tưới từ sông, rạch….
– Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ thấp và ẩm độ cao. Ở những ruộng bón thừa đạm giai đoạn đẻ nhánh và thúc đòng
– Bệnh tấn công từ gốc lúa rồi dần lên bẹ, thân đến lá và ngọn. Các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên. Nếu điều kiện thuận lợi bệnh có thể xuất hiện rất sớm trong giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.    
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh từ vụ trước.
– Cày bừa, xới đất kỹ để chôn vùi hạch nấm, hạn chế sức sống của chúng.
– Không dùng hạt giống ở những ruộng bị nhiễm bệnh. Gieo sạ mật độ vừa phải, bón cân đối NPK, bón phân chuồng hoai mục.
– Khi chớm bệnh hoặc phun phòng khi gặp điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển, sử dụng những loại thuốc sau: Foli.Til 400EC/Gtop (20 -25ml/25 lít nước), Amitagold 400SC/Asmiltatop Super (30ml/25 lít nước), Alvin Bio 5SC/Mekongvil (60ml/25 lít nước).

9. Bệnh bạc lá
Tác nhân: Do vi khuẩn Xanthomonas campestris gây ra.
Triệu chứng
– Vết bệnh có mầu xanh tái, vàng lục từ mép lá lan dần vào trong phiến lá hoặc kéo dài theo gân chính, cũng có trường hợp vết bệnh bắt đầu từ ngay giữa phiến lá. Vết bệnh lan rộng theo đường gợn sóng màu vàng.
– Trong điều kiện nhiệt độ, ẩm độ cao, trên bề mặt vết bệnh dễ xuất hiện những giọt dịch vi khuẩn hình tròn nhỏ, có màu vàng đục, khi các giọt dịch khô lại có màu nâu hổ phách. Đặc điểm phát sinh, phát triển bệnh
– Bệnh thường xuất hiện trong vụ mùa từ khi lúa làm đòng đến chín sữa. Đối với các giống lúa mẫm cảm thường bị bệnh rất sớm.
– Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ 26 – 300C, ẩm độ cao. Trong vụ mùa, những đợt mưa lớn thường làm cho bệnh phát triển nhanh chóng. 
– Ở những nơi đất chua, ngập úng, nhiều mùn, ruộng lúa bị bóng cây che phủ;  ruộng cấy dày, bón nhiều đạm, gieo trồng các giống nhiễm, bệnh thường nặng hơn.  
Biện pháp phòng trừ
– Trong vụ mùa nên sử dụng giống kháng bệnh và bón phân cân đối, hợp lý.
– Sử dụng hạt giống sạch bệnh. Xử lý hạt giống ở 540C trong 15 phút.
– Khi chớm bệnh hoặc phun phòng khi gặp điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển, sử dụng những loại thuốc sau: Antigold 775WP (pha 30g/25 lít nước), Evanton 40SL, Bio.Bacteria 0.5SL/Elcarin (pha 20-25ml/25 lít nước). Nên phun 2 lần cách nhau 7 ngày/lần.

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH TM BIOVINA
🏢 Địa chỉ: 42 dường 37, KP7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM
☎ Hotline: 028.37.26.1475; Fax : 028.37.26.1476; Website: biovina.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *