MỘT SỐ DỊCH HẠI CHÍNH TRÊN CÂY HOA LAN

1. BỌ TRĨ
Tên khoa học: Thrip sp.
Đặc điểm hình thái và sinh học 
Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, con trưởng thành dài khoảng 1mm, màu vàng nâu, đuôi nhọn, cánh có nhiều lông tơ. Bọ non không cánh, hình dáng giống bọ trưởng thành, màu  xanh vàng nhạt. Trứng hình bầu dục được đẻ rải rác trong mô lá; kích thước nhỏ màu trắng sữa, gần nở có màu vàng nhạt. Vòng đời bọ trĩ khoảng 15-17 ngày.
Phát sinh và gây hại
– Bọ trĩ hoạt động cả ban ngày và ban đêm, ban ngày chúng hoạt động tương đối nhanh nhẹn khi bị khua động sẽ lẩn tránh sang lá khác hoặc giả chết rơi xuống đất.
– Bọ trĩ trưởng thành bò nhanh, linh hoạt, đẻ trứng trong mô lá non. Cả trưởng thành và ấu trùng đều sống dưới mặt lá hoặc trong búp non để chích hút nhựa tạo thành những vết lấm tấm ở dưới mặt lá, những lá bị hại sẽ mất dần dinh dưỡng, phát triển không bình thường, nhỏ lại, mép lá bị cháy, lá còi cọc không phát triển được. Đọt non bị hại thường sần sùi, cứng và giòn.
– Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết khô và nóng.
– Vòng đời ngắn, sức sinh sản mạnh và có khả năng kháng thuốc cao.
– Bọ trĩ ngoài chích hút gây hại, chúng còn là môi giới truyền bệnh Virus cho cây.
Biện pháp phòng trừ
– Khi bọ trĩ mới xuất hiện dùng phương pháp tưới phun với áp lực cao vào mặt dưới lá.
– Sử dụng bẫy dính màu vàng để tiêu diệt bọ trĩ trưởng thành.
– Khi mật độ bọ trĩ cao thì tiến hành phun thuốc, sử dụng một trong những loại thuốc sau: Fuze.Bio 24.7SC (pha 10ml/bình 16 lít), Phenodan 20WP (pha 6g/bình 16 lít), Ace.Bio 30WP/Afeno (pha 12g/bình 16 lít nước), Ratoin 5WG (pha 4g/bình 16 lít), Chat 20WP (pha 6g/bình 16 lít). Chú ý phun tập trung vào mặt dưới của lá non, đọt non vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. 

2. NHỆN ĐỎ
Tên khoa học: Tetranychus urticae 
Đặc điểm hình thái và sinh học
– Thành trùng hình bầu dục, thân rất nhỏ có 4 đôi chân, toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu xanh, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân. Nhện đực có kích thước nhỏ hơn nhện cái. Ấu trùng nhện đỏ rất giống thành trùng nhưng chỉ có 3 đôi chân. Trứng rất nhỏ, được đẻ sát gân lá ở cả hai mặt lá.
– Vòng đời nhện đỏ khoảng 28 – 37 ngày: Trứng (4 – 5 ngày), ấu trùng (5 – 10 ngày), trưởng thành (20 – 22 ngày).
Phát sinh gây hại
– Nhện thường phát sinh gây hại trong mùa nắng, thời tiết khô hạn, cây bón nhiều đạm.
– Nhện đỏ thường xuất hiện ở mặt dưới lá và phát triển mật số rất nhanh, lan truyền nhờ gió và những sợi tơ, mạng của chúng.
– Cả ấu trùng và thành trùng đều sinh sống và gây hại ở mặt dưới lá, ăn biểu bì và chích hút mô dịch khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ. Lá bị hại bị mất màu xanh, mặt trên có màu vàng loang lỗ, mặt dưới có những vết trắng lấm tấm giống bụi cám và có lớp tơ rất mỏng.
Biện pháp phòng trừ
– Sử dụng vòi áp lực cao phun vào mặt dưới lá nơi nhện cư trú.
– Khi nhện đỏ xuất hiện nhiều, phun luân phiên những loại thuốc sau: Diafen 50WP/Kyodo (pha 20g/16 lít nước), Ratoin 5WG (pha 4g/16 lít nước). Chú ý phun thuốc vào sáng sớm, phun kỹ mặt dưới lá để đạt hiệu quả cao.

3. RỆP SÁP
Tên khoa học: Parlatoria proteus
Đặc điểm hình thái và sinh học
– Rệp sáp có hình oval, thuôn dài. Con cái không có cánh, cơ thể có màu vàng nhạt, mình có nhiều sợi sáp màu trắng. Rệp đực nhỏ hơn và có cánh, không có sáp phủ ngoài cơ thể, mắt đen to, râu và chân có nhiều lông ngắn, miệng thoái hóa, không ăn chỉ giữ nhiệm vụ giao phối.
– Trứng hình bầu dục nhỏ màu trắng trong, trứng được đẻ thành bọc ở chân các lá già, cổ rễ sát thân cây, trong bọc các trứng xếp chồng lên nhau, phía ngoài bọc có lớp sáp bông trắng bao phủ.
– Rệp non giống trưởng thành cái nhưng nhỏ hơn và chưa có sáp bao phủ, hoạt động nhanh nhẹn. Sau nở khoảng 7 – 10 ngày gần đuôi hình thành hai tua áp dài, sau đó các tua khác dần dần hình thành, trên cơ thể bắt đầu có phủ sáp, từ đó chúng di chuyển chậm chạp và thường tìm các nơi kín đáo để sinh sống.
– Rệp sáp ít di chuyển, phần lớn nhờ vào một số loài kiến tha đi.
Phát sinh gây hại
– Rệp sáp phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, thiệt hại phổ biến trong mùa khô khi cây bị thiếu nước.
– Rệp sáp có vòng đời ngắn, khả năng sinh sản cao, nếu điều kiện môi trường thích hợp sẽ có khả năng bộc phát nhanh. Gây hại bằng cách chích hút lá, giả hành, nụ hoa, cuống hoa, thân. Khi bị hại nặng, lá bị vàng, rụng, giả hành bị khô, teo tóp lại và chết.
– Rệp sáp là một trong những loại côn trùng môi giới lan truyền bệnh do nấm, vi khuẩn, virus gây hại cây lan. Ngoài ra, dịch tiết ra từ rệp là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây lan.
Biện pháp phòng trừ
– Khi rệp sáp xuất hiện ít ở lá và thân có thể dùng vòi nước phun mạnh.
– Khi cần thiết có thể dùng các loại thuốc sau để phun 2-3 lần cách nhau 10 ngày/lần: Thipro 550EC (pha 32ml/16 lít nước), Checsusa 500WP (pha 20g/bình 16 lít nước), Ratoin 5WG (pha 6g/bình 16 lít nước). Lưu ý phun ướt đều cây vào sáng sớm hoặc chiều mát.

4. RUỒI ĐỤC NỤ
Tên khoa học: Contarinia maculipennis
Đặc điểm hình thái và sinh học
– Thành trùng là một loài ruồi có cơ thể rất nhỏ khoảng 1–2mm với 1 cặp cánh lớn màu nâu nhạt. Thành trùng đực thường nhỏ hơn thành trùng cái. Giai đoạn này ruồi chủ yếu bắt cặp và đẻ trứng để tiếp tục vòng đời.
– Trứng rất nhỏ được đẻ ở kẽ hở giữa các mép cánh của nụ hoa, có màu trắng sau chuyển dần sang vàng nhạt.
– Ấu trùng dạng dòi, có màu trắng nhạt sau chuyển sang màu vàng kem, sống trong nụ hoa ăn dần biểu bì chừa lại lớp màng mỏng trên cánh hoa. 
– Nhộng màu vàng nhạt đến nâu đậm khi sắp vũ hóa. Nhộng thường làm trên mặt đất hay ở giá thể trồng lan nơi có độ ẩm cao.
– Vòng đời ruồi hại lan khoảng 21 – 32 ngày: Trứng (1 ngày), ấu trùng (5 – 7 ngày), nhộng (14-21 ngày), trưởng thành (4 ngày).
Phát sinh gây hại
– Ruồi thường phát sinh trong điều kiện trời nóng, có mưa nắng thất thường, độ thông thoáng của giàn lan kém, tưới nước quá nhiều tạo cho chậu lan luôn ẩm ướt.
– Ấu trùng sau khi nở chui vào trong nụ hoa, ăn các mô của nụ hoa làm hoa bị biến dạng, mất màu trên nụ và cánh hoa. Nếu gây hại sớm có thể làm rụng luôn cả nụ hoa. 
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh vườn sạch sẽ, làm sạch cỏ dại xung quanh vườn và dưới giàn lan nhằm hạn chế nơi trú ngụ của ruồi trưởng thành.
– Ngắt bỏ các nụ hoa bị nhiễm ruồi đem tiêu hủy
– Có thể sử dụng bẫy dính màu vàng để thu bắt trưởng thành.
– Khi cần thiết có thể phun Ratoin 5WG (pha 4g/bình 16 lít nước), Fuze.Bio 24.7SC (pha 10ml/bình 16 lít nước), Confitin 75EC (pha 12ml/16 lít nước), Diafen 50WP/Kyodo (pha 20g/bình 16 lít nước), Checsusa 500WP (pha 20g/bình 16 lít nước). Lưu ý phun vào chiều tối có hiệu quả cao hơn.

5. BỆNH ĐỐM NÂU
Tác nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas sp. gây ra.
Triệu chứng
Lúc đầu là những đốm nhỏ mầu xanh nhạt hay nâu tùy theo giống lan, vết bệnh lan rộng rất nhanh và biến thành màu nâu hay đen, khô lại và hơi lõm khi thời tiết hanh khô. Nếu gặp mưa nhiều, vết bệnh lan rộng, mềm nhũn.
Phát sinh gây hại
– Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa trên những vườn lan có ẩm độ cao, thiếu thông thoáng, chăm sóc kém.
– Vi khuẩn xâm nhập qua vết thương do cơ giới do quá trình chăm sóc hoặc côn trùng chích hút.
Biện pháp phòng trừ
– Trồng mật độ vừa phải, tạo độ thông thoáng cho vườn.
– Thay chậu nếu giá thể đã mục và nhiều rong rêu, thoát nước kém.
– Cắt bỏ những lá bệnh nặng để tránh lây lan.
– Tránh gây thương tích cho cây trong suốt mùa mưa và phòng trừ côn trùng khi chúng xuất hiện.
– Giảm lượng phân đạm, gia tăng lượng kali.
– Phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện, có thể dùng một trong những loại thuốc sau: Bio.Bactera 0.5SL/Elcarin (pha 16ml/bình 16 lít nước), Evanton 80SL (pha 8ml/bình 16 lít nước), Kasugacin 3SL (pha 32ml/bình 16 lít nước).
Lưu ý phun vào chiều mát, phun 2-3 lần cách nhau 7 – 10 ngày/lần. Sau khi phun thuốc, cách ly những cây bệnh và không tưới nước 2 – 3 ngày.

6. BỆNH THỐI NHŨN
Tác nhân: Do vi khuẩn Erwinia  carotovoragây ra.
Triệu chứng
Bệnh thường phát sinh trên lá non, ban đầu chỉ là chấm nhỏ, sau lan rộng giống như bị phỏng nước sôi, mềm nhũn, sờ tay vào dịch thấy hơi dính và có mùi hôi nồng. Vết bệnh lan nhanh ở lá và rễ, chậm ở căn hành và giả hành.  
Phát sinh gây hại
– Bệnh gây hại nặng trong mùa mưa, khi thời tiết nóng và ẩm, trên các giống lan đơn thân và đa thân.
– Độ ẩm cao, bón nhiều phân đạm và sử dụng nhiều thuốc kích thích sinh trưởng cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.
– Vi khuẩn lan truyền nhờ nước mưa, nước tưới và xâm nhập vào cây qua vết thương trong quá trình chăm sóc, vết côn trùng chích hút hoặc khí khổng của lá.
– Khi gặp điều kiện thuận lợi, bệnh phát triển rất nhanh, có thể làm chết cây chỉ trong vài ngày.
Biện pháp phòng trừ
– Trồng mật độ vừa phải, tạo độ thông thoáng cho vườn.
– Thay chậu nếu giá thể đã mục và nhiều rong rêu, thoát nước kém.
– Cắt bỏ sớm những lá bệnh để tránh lây lan.
– Tránh gây thương tích cho cây trong suốt mùa mưa và phòng trừ côn trùng khi chúng xuất hiện.
– Giảm lượng phân đạm, gia tăng lượng kali.
– Phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện, có thể dùng một trong những loại thuốc sau: Bio.Bactera 0.5SL/Elcarin (pha 16ml/bình 16 lít nước), Evanton 80SL (8ml/bình 16 lít nước), Kasugacin 3SL (32ml/bình 16 lít nước).
Lưu ý phun vào chiều mát, phun 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày/lần. Sau khi phun thuốc, cách ly những cây bệnh và không tưới nước 2 – 3 ngày.

7. BỆNH THỐI THÂN
Tác nhân: Do nấm Phytophthora sp. gây ra.
Triệu chứng
Bệnh xuất hiện ở gốc và rễ cây, vết bệnh ban đầu có mầu vàng, mềm, đầy nước có mùi hơi chua, những lá phía trên vẫn còn xanh. Phần thân bị bệnh từ từ chuyển qua màu vàng nâu và lan dần lên, khô tóp lại, lá héo và rụng dần.
Phát sinh gây hại
– Bệnh thường gây hại nặng vào mùa mưa. Trên những chậu lan trồng lâu năm, giá thể và rễ bị mục nhiều, bí, kém thông thoáng thường bị hại nhiều hơn. 
– Bệnh thường phát sinh ở rễ, gốc rồi lan dần lên làm thân chết khô. Khi bị nặng, bệnh thường lan nhanh từ thân này sang thân khác.
Biện pháp phòng trừ
– Thường xuyên thay chậu sau 3-5 năm trồng.
– Hạn chế tưới nước vào buổi tối khi trong vườn đã xuất hiện bệnh.
– Khi trong chậu đã có cây bị bệnh, việc phun thuốc thường không mang lại hiệu quả lâu dài. Loại bỏ những thân bị bệnh và trồng vào chậu với gía thể mới sau khi sát trùng vết cắt và bôi keo liền sẹo.
– Trong mùa mưa hạn chế sử dụng những loại phân có hàm lượng đạm cao, thuốc kích thích sinh trưởng. Phun định kỳ 10-15 ngày/lần những loại thuốc sau: Ky.Bul 72WP/Niko, Biorosamil 72WP (pha 32-48g/16 lít nước) để phòng bệnh.

8. BỆNH THÁN THƯ
Tác nhân:Do nấm Colletotrichum sp. gây ra.
Triệu chứng
Bệnh thường gây hại trên lá non, vết bệnh ban đầu là chấm tròn nhỏ màu nâu, xung quanh có quầng vàng nhạt, sau đó lan rộng ra thành đốm tròn màu nâu sẫm và hơi lõm. Tùy loại lan, có màu vàng, có loại ở vòng ngoài có màu nâu đậm hơn ở trong. Nếu vết bệnh xuất hiện gần cuống lá khi gặp mưa nhiều sẽ lan rộng đến thân và gây thối cả ngọn lan.
Phát sinh gây hại
Bệnh phát sinh vào đầu mùa mưa và gây hại trên nhiều loài lan khác nhau (Cattleya, oncidium, vanda, dendrobium…). Ở những vườn sử dụng nhiều phân đạm và thuốc kích thích sinh trưởng thường hay bị hại nặng hơn.
Biện pháp phòng trừ
– Xử lý giá thể trước khi trồng, tiêu hủy những cây và bộ phận bị bệnh để tránh lây lan.
– Hạn chế tưới lan vào buổi tối.
– Đối với cây lan bị bệnh phải cách ly và cắt nước ngay để tránh bệnh phát triển thêm.
– Vào mùa mưa hạn chế sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón có hàm lượng đạm cao. Phun thêm nước vôi trong 20-30 ngày/lần.
– Có thể phun phòng bệnh hay phun khi bệnh chớm xuất hiện với những loại thuốc sau: Amitagold 400SC/Asmiltatop Super(pha 20ml/bình 16 lít), Biorosamil 72WP (pha 32g/16 lít nước). Lưu ý sau khi phun thuốc phải đem cây lan vào khu vực có mái che mưa trong 2-3 ngày.

9. BỆNH ĐỐM LÁ
Tác nhân:Do nấm Cercospora sp. gây ra.
Triệu chứng
Bệnh thường gây hại từ lá bánh tẻ đến lá già, lúc đầu xuất hiện các đốm vàng cả mặt trên và mặt dưới của lá. Nếu gặp ẩm độ cao, mưa nhiều, các đốm bệnh lan rộng và liên kết lại làm lá vàng và rụng sớm, nhìn vào mặt dưới lá thấy xuất hiện nhiều đám bào tử màu nâu hay đen.
Phát sinh gây hại
– Bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh vào mùa mưa ở những vườn lan thường xuyên có ẩm độ cao và những vườn lan có hiện tượng thiếu lân.
– Bệnh thường xuất hiện trên những cây có màu xanh đậm, các chậu thoát nước kém.
– Bệnh gây hại trên các giống lan Dendrobium, Oncidium, Mokara.
Biện pháp phòng trừ
– Tạo cho vườn thông thoáng, bón phân cân đối.
– Hạn chế tưới nước vào buổi tối, đặc biệt là những vườn trồng với giá thể sơ dừa.
– Thu gom và tiêu hủy các lá bị bệnh để tránh lây lan.
– Khi bệnh chớm xuất hiện thì giảm lượng nước tưới và sử dụng một trong các loại thuốc sau: Ky.Bul 72WP/Niko, Biorosamin 72WP (pha 32g/bình 16 lít nước), Amitagold 400SC/Asmiltatop Super (pha 20ml/bình 16 lít nước).

10. BỆNH THỐI RỄ
Tác nhân:Do nấm Rhizoctonia sp. gây ra.
Triệu chứng
– Phần cổ rễ có vết màu nâu hơi lõm, về sau vết bệnh lan rộng bao quanh thân, gốc. Mô vết bệnh dần dần bị phân hủy, các lá dưới gốc héo vàng và rụng trước, sau đó lan lên các lá phía trên, cuối cùng dẫn tới các lá héo rũ, cây khô tóp.
– Khi mới nhiễm bệnh thì rễ cây vẫn bình thường, sau đó rễ dần chuyển sang mầu nâu và thối mục.
Phát sinh gây hại
Bệnh thường xuất hiện trên những chậu thoát nước kém; chậu có rễ bị tổn thương trong quá trình thay chậu hoặc do côn trùng cắn phá; chậu bị tích tụ muối do lâu năm không thay giá thể hoặc do bón phân quá nhiều. Bệnh rất dễ lây lan, nếu không được phòng trị kịp thời cây sẽ phát triển kém hoặc có thể bị chết.
Biện pháp phòng trừ
– Thiết kế vườn luôn được thông thoáng.
– Sử dụng cân đối các loại phân bón và thuốc kích thích sinh trưởng. Bổ sung định kỳ hàng tháng những loại phân có chứa canxi, silic.
– Thường xuyên thay chậu sau 3-5 năm trồng.
– Khi đã có cây bị bệnh nên hạn chế tưới nước vào buổi tối để bệnh không phát triển mạnh.
– Loại bỏ những thân bị bệnh và trồng vào chậu mới với gía thể mới sau khi sát trùng vết cắt và bôi keo liền sẹo.
– Vào mùa mưa nên phun định kỳ 10-15 ngày/lần, phun luân phiên những loại thuốc sau: Ky.Bul 72WP/Niko, Biorosamil 72WP (pha 32-48g/16 lít nước), Prota 750 WG (pha 16g/bình 16 lít nước).

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH TM BIOVINA
🏢 Địa chỉ: 42 dường 37, KP7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM
☎ Hotline: 028.37.26.1475; Fax : 028.37.26.1476; Website: biovina.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *