Thời gian gần đây giá các mặt hàng phân bón tại Việt Nam liên tục có biến động mạnh theo chiều hướng tăng, thậm chí cục bộ tại một số nơi còn xảy ra sốt và khan hiếm hàng, vậy chu kỳ tăng giá này có nguyên nhân từ đâu?
Đầu tiên, phải khẳng định giá phân bón biến động mạnh thời gian vừa qua đến từ sự biến động của giá dầu thế giới, đặc biệt trong tháng 9 – 10 vừa qua giá dầu thô thế giới có thời điểm đạt mức tăng kỷ lục lên trên 75USD/thùng và hiện duy trì xung quanh 55 – 60 USD/thùng. Do lọc hóa dầu là ngành sản xuất quan trọng cung cấp các nguyên liệu, hóa chất đầu vào cho ngành phân bón nên khi giá dầu thế giới tăng đã kéo giá phân bón tăng theo.
Không chỉ dầu mỏ mà giá than trên thế giới trong những tháng vừa qua cũng có mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, góp phần không nhỏ tác động tới ngành phân bón tại Việt Nam khi một số doanh nghiệp sản xuất phân bón tại nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lò hơi, lò cao chạy bằng nhiên liệu than.
Theo một nguồn tin chúng tôi có được, trong năm vừa qua Chính phủ Trung Quốc cho đóng cửa 485 nhà máy phân bón nhằm xử lí triệt để vấn đề môi trường trong lĩnh vực hóa chất và phân bón do hệ lụy tăng trưởng ồ ạt ở 2 con số trong những năm trước đây, do đó nguồn cung sản xuất phân bón tại Trung Quốc có sự sụt giảm mạnh. Trong khi phía Ấn Độ hiện đang mở thầu chào mua 550.000 tấn phân DAP lại càng khiến thị trường phân bón trở nên khan hiếm hơn.
Có thể thấy ure và DAP, hai mặt hàng phân bón có liên quan mật thiết nhất tới giá dầu và giá than có mức tăng giá mạnh nhất trong những tháng qua, khi giá ure tăng từ mức trên 7.000 đồng/kg lên trên 9.000 đồng/kg và DAP từ mức xấp xỉ 8.000 đồng/kg lên xấp xỉ 10.000 đồng/kg (DAP sản xuất trong nước). Việc ure và DAP tăng cũng đồng nghĩa giá phân NPK bắt buộc phải tăng theo.
Bên cạnh yếu tố chung của thị trường, một số nguồn tin cho rằng, việc giá phân bón trong nước tăng có ảnh hưởng lớn từ chính sách áp thuế tự vệ phân DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng Giám đốc Công ty CP DAP – Vinachem khẳng định, nguyên nhân chính khiến giá phân bón thế giới tăng là do thị trường thế giới tăng, bằng chứng là đạm ure mặc dù không áp thuế tự vệ nhưng cũng tăng hơn 2.000 đồng/kg.
Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Sinh cho rằng, sản lượng, công suất 2 nhà máy DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai (khoảng 500 nghìn tấn) của Việt Nam hiện nay so với thị trường DAP thế giới là rất nhỏ nên chắc chắn không chi phối được về giá. Chưa kể, theo ông Sinh hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã lách thuế tự vệ bằng việc nhập khẩu các sản phẩm phân bón về bản chất không khác gì phân DAP nhưng lại dưới dạng phân NPK với công thức 16 – 44 – 4.
“Thực tế đúng là giá phân DAP của chúng tôi sản xuất ra có sự điều chỉnh tăng giá thời gian vừa qua, nhưng nguyên nhân chủ yếu do giá thành sản xuất bình quân 10 tháng đầu năm 2018 của chúng tôi tăng 12,8% so với 2017. Trong đó, giá lưu huỳnh bình quân tăng 21,1%, amoniac tăng 9%. Vì vậy, Công ty buộc phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm DAP Đình Vũ tương ứng theo diễn biến của thị trường. Hiện chúng tôi đang giao bán DAP tại cổng nhà máy với mức giá bình quân 9.800 đồng/kg”, ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.
Ngoài yếu tố chung do giá phân bón thế giới tăng, thời gian vừa qua các nhà máy Đạm Cà Mau tháng 8 vừa qua nghỉ máy để bảo trì bão dưỡng định kỳ, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình có nhiều thời điểm phải dừng máy để xử lý các sự cố khiến năng lực sản xuất không đáp ứng được 100% công suất thiết kế, trong khi mùa vụ tại ĐBSCL đã đến cũng là nguyên nhân cộng hưởng khiến giá phân bón tăng trong những tháng cuối năm.
Nguồn: Báo Nông nghiệp