1. SÂU KHOANG (Sâu ăn tạp)
Tên khoa hoc: Spodoptera litura
Đặc điểm hình thái và sinh học
– Sâu tuổi nhỏ có màu xanh lục, tuổi lớn có màu nâu đậm. Trên cơ thể có đường sọc vàng sáng chạy ở hai bên hông từ đốt thứ nhất đến đốt thứ tám, mỗi đốt có một chấm đen rõ nhưng hai chấm đen ở đốt thứ nhất to nhất. Sâu càng lớn, hai chấm đen ở đốt thứ nhất càng to dần và gần như giao nhau tạo thành khoang đen trên lưng.
– Nhộng màu nâu đỏ, cuối bụng có 2 gai ngắn, ở trong đất. Khi sắp vũ hoá, nhộng có màu nâu đen, các đốt cuối của nhộng có thể cử động được.
– Trứng nhỏ, có hình bán cầu, mới đẻ có màu trắng vàng, sau chuyển sang màu vàng tro, lúc sắp nở có màu tro đậm, trứng được đẻ thành ổ trên lá và có phủ lớp lông tơ.
– Trưởng thành là một loại ngài có kích thước trung bình, cánh trước màu nâu vàng, giữa cánh có vân trắng, cánh sau màu trắng óng ánh.
– Vòng đời sâu khoang khoảng 25 – 41 ngày: Trứng (3 – 7 ngày), sâu non (12 – 19 ngày), nhộng (7 – 10 ngày), trưởng thành (2 – 4 ngày).
Phát sinh gây hại
– Sâu khoang phát sinh gây hại quanh năm trên nhiều loại cây trồng như ớt, đậu, rau, dưa, bông, cà…
– Sâu non mới nở sống tập trung quanh ổ trứng gặm biểu bì lá; sâu lớn tuổi phát tán rộng ra, ăn khuyết phiến lá, đọt non, hoa, quả…Sâu non phá hại mạnh vào ban đêm, ban ngày ẩn ấp trong tán lá, cỏ dại hoặc trong đất.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây trồng.
– Cày bừa, phơi đất để diệt nhộng.
– Dùng bẫy chua ngọt thu bắt trưởng thành.
– Ngắt ổ trứng, lá có sâu non mới nở chưa kịp phát tán.
– Phủ đất trồng bằng màng phủ nông nghiệp.
– Khi thấy sâu non xuất hiện, sử dụng một trong những loại thuốc sau: Diafen 50WP/Kyodo (pha 32g/bình 16 lít), Miktox 2.0EC (pha 5ml/16 lít nước), Smash 45EC (pha 20 ml/16 lít nước). Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.
2. BỌ TRĨ (Bù lạch)
Tên khoa hoc: Scirtothrips dorsalis
Đặc điểm hình thái
– Bọ trĩ gây hại trên nhiều loại cây trồng như cây rau, cà, ớt,…
– Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, con trưởng thành dài khoảng 1mm, màu vàng nâu, đuôi nhọn, cánh có nhiều lông tơ. Bọ non không cánh, hình dáng giống bọ trưởng thành, màu xanh vàng nhạt. Trứng hình bầu dục được đẻ rải rác trong mô lá; kích thước nhỏ màu trắng sữa, gần nở có màu vàng nhạt.
Phát sinh gây hại
– Bọ trĩ hoạt động nhanh nhẹn, khi bị khua động sẽ lẩn tránh sang lá khác hoặc giả chết rơi xuống đất.
– Bọ trĩ đẻ trứng trong mô lá non. Cả trưởng thành và ấu trùng đều sống dưới mặt lá hoặc trong búp non để chích hút nhựa, những lá bị hại sẽ mất dần dinh dưỡng, phát triển không bình thường, nhỏ lại, mép lá bị cong lên, lá và đọt non bị co rút không phát triển được.
– Vòng đời ngắn, sức sinh sản mạnh và có khả năng kháng thuốc cao.
– Bọ trĩ cùng với các loài rầy, rệp, bọ phấn là môi giới truyền bệnh virus rất nguy hiểm đối với cây ớt.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây trồng.
– Phủ đất trồng bằng màng phủ nông nghiệp để hạn chế sự hóa nhộng của bọ trĩ.
– Bón phân chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt.
– Mùa nắng cần tưới nước đầy đủ, tránh để ruộng thiếu nước.
– Khi ấu trùng xuất hiện, phun tập trung vào mặt dưới của lá non, đọt non vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát một trong những loại thuốc sau Chat 20WP, Phenodan 20WP (pha 6g/16 lít nước), Smash 45EC (pha 40 ml/16 lít nước), Diafen 50WP/Kyodo (pha 32g/16 lít nước). Chú ý phun luân phiên thuốc 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày/lần.
3. NHỆN ĐỎ
Tên khoa học: Tetranychus urticae
Đặc điểm hình thái
Thành trùng hình bầu dục, thân rất nhỏ có 4 đôi chân, toàn thân phủ lông lưa thưa. Nhện đực có kích thước nhỏ hơn nhện cái. Ấu trùng nhện đỏ rất giống thành trùng nhưng chỉ có 3 đôi chân. Trứng rất nhỏ, hình cầu hoặc hình củ hành, bóng láng và được đẻ sát gân lá, thường ở mặt dưới lá những nơi có tơ do nhện tạo ra trong khi di chuyển.
Phát sinh gây hại
– Nhện đỏ thường phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô nóng hoặc những thời gian bị hạn trong mùa mưa.
– Cả ấu trùng và thành trùng đều sinh sống và gây hại ở mặt dưới lá, ăn biểu bì và chích hút mô dịch khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ. Lá bị hại mất màu xanh, mặt trên có màu vàng loang lỗ, mặt dưới có những vết trắng lấm tấm. Hoa và trái cũng bị nhện hút chất dinh dưỡng làm cho trái bị vàng, sạm và nứt khi trái lớn; hoa bị thui, rụng.
– Nhện đỏ lan truyền nhờ gió và nhờ những sợi tơ, mạng nhện mà chúng tạo ra.
Biện pháp phòng trừ
– Sử dụng vòi áp lực cao phun vào mặt dưới lá nơi nhện cư trú.
– Khi nhện đỏ xuất hiện nhiều, phun luân phiên những loại thuốc sau: Diafen 50WP/Kyodo (pha 20g/16 lít nước), Ratoin 5WG (pha 4g/16 lít nước). Chú ý phun thuốc vào sáng sớm, phun kỹ mặt dưới lá để đạt hiệu quả cao.
4. BỌ PHẤN TRẮNG
Tên khoa hoc: Bemisia myricae
Đặc điểm hình thái
– Bọ trưởng thành có kích thước nhỏ, màu vàng nhạt, Toàn thân và cánh được phủ bởi một lớp phấn màu trắng, chân dài và mảnh.
– Trứng rất nhỏ hình bầu dục, màu trắng trong sau chuyển sang màu nâu nhạt rồi màu nâu xám khi sắp nở.
– Ấu trùng tuổi 1 màu vàng nhạt, hình ô van, khi mới nở có chân, bò dưới mặt lá. Sang tuổi 2 sâu non không còn chân (nhộng giả), hình bầu dục, màu sáng, có mắt kép, râu đầu và lông thưa ở 2 bên sườn.
Phát sinh gây hại
– Bọ phấn trắng gây hại trên nhiều loại cây trồng như ớt, cà chua, khoai tây, cà tím, dưa leo, khổ qua, bầu bí, đậu…
– Thời tiết khô và ít mưa thích hợp cho bọ phấn trắng phát sinh phát triển.
– Ấu trùng và trưởng thành chích hút nhựa ở đọt và lá non, lá bị hại có đốm hoặc biến màu vàng. Dịch do bọ phấn tiết ra là môi trường cho nấm muội đen phát triển làm giảm khả năng quang hợp của cây. Khi mật số bọ cao, lá bị khô héo và cây có thể chết.
– Bọ phấn còn là môi giới truyền Virus gây bệnh khảm xoăn lá.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây trồng.
– Tỉa bỏ lá già, hạn chế chỗ ẩn nấp của bọ phấn.
– Bón phân, tưới nước cho cây sinh trưởng tốt.
– Luân canh ớt với hành tỏi, lúa nước.
– Khi bọ non xuất hiện phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát với những loại thuốc sau: Phenodan 20WP (pha 6g/16 lít nước), Lotoshine 400WP (pha 4g/16 lít nước), Smash 45EC (pha 32 ml/16 lít nước).
5. RỆP MUỘI (Rầy mềm)
Tên khoa hoc: Aphis gossypii
Đặc điểm hình thái
– Rệp muội có hình bầu dục, nhỏ (dài 1,5-2 mm), cuối bụng có 2 phiến đuôi và 2 ống bụng ở 2 bên. Trưởng thành có 2 dạng:
+ Dạng không cánh: Thân màu xanh đen, xanh thẫm và có phủ sáp; một số ít có màu vàng xanh.
+ Dạng có cánh: Đầu và ngực màu nâu đen, bụng màu vàng nhạt, xanh nhạt, có khi xanh đậm, phiến lưng ngực trước màu đen. Mắt kép to.
Phát sinh gây hại
– Rệp muội gây hại trên nhiều loại cây trồng như cà chua, khoai tây, đậu đỗ, dưa, thuốc lá, bông vải, cam, quýt,…
– Thời tiết khô và ít mưa thích hợp cho rệp phát sinh phát triển.
– Rệp trưởng thành và rệp non sống tập trung ở đọt và lá non, chích hút nhựa làm đọt và lá non xoăn lại, cây sinh trưởng kém, lá vàng, quả nhỏ và cháy xám. Trong quá trình gây hại rệp thải ra chất mật dính tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây.
– Rệp còn là môi giới truyền bệnh Virus.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây trồng.
– Phủ đất trồng bằng màng phủ nông nghiệp.
– Tỉa bỏ cành, lá bị rệp gây hại.
– Bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm. Trong mùa khô nên tưới nước đầy đủ cho cây sinh trưởng tốt.
– Khi rầy mềm xuất hiện sử dụng một trong những loại thuốc sau: Phenodan 20WP (pha 6g/16 lít nước), Diafen 50WP/Kyodo(pha 32g/16 lít nước), Smash 45EC (pha 32 ml/16 lít nước). Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.
6. BỆNH HÉO VÀNG
Tác nhân: Do nấm Fusarium oxysporumgây ra.
Triệu chứng gây hại
– Bệnh thường gây hại giai đoạn cây con đến ra hoa, quả.
– Triệu chứng điển hình là lá biến vàng và héo dần từ lá dưới gốc lên lá trên ngọn, cây sinh trưởng kém; phần thân sát mặt đất có vết bệnh tạo thành mảng phá hủy hệ thống mạch dẫn của cây làm cho cây héo và chết.
– Lá cây chết có màu vàng và khô. Thời gian từ khi cây có biểu hiện bệnh đến khi cây chết kéo dài hàng tháng.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
– Nhiệt độ và ẩm độ cao thích hợp cho nấm phát triển.
– Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa và trên những ruộng nhiễm bệnh vụ trước.
– Bệnh lây lan mạnh khi trên ruộng đất cát, chua, đất thiếu đạm và lân.
– Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như cà chua, ớt, đậu, gừng, dưa, khoai tây, bầu bí…
– Bào tử nấm lưu tồn lâu trong đất, tàn dư cây bệnh. Bệnh lây lan qua nước, đất, giống cây nhiễm bệnh hoặc do con người mang đi.
Biện pháp phòng trừ
– Luân canh với cây trồng khác họ.
– Lên luống cao, có rãnh thoát nước tốt trong mùa mưa.
– Chọn giống sạch bệnh từ những ruộng không bị bệnh.
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bệnh.
– Bón phân cân đối và hợp lý. Tăng cường bón phân hữu cơ.
– Tránh gây tổn thương rễ trong quá trình chăm sóc.
– Khi xuất hiện cây bị bệnh nên hạn chế tưới tràn để tránh bệnh lây lan trên ruộng.
– Phun thuốc ướt đều tán cây và tưới kỹ vào phần gốc để ngừa khi bệnh mới xuất hiện (xử lý 2-3 lần cách nhau 7 ngày): Prota 750 WG (pha 15g/16 lít nước), Kempo 790SC (pha 32ml/16 lít nước), Diệt khuẩn 40SL/Evanton(pha 16ml/16 lít nước).
7. BỆNH LỞ CỔ RỄ
Tác nhân: Do nấm Rhizoctonia solani gây ra.
Triệu chứng gây hại
Bệnh chủ yếu gây hại ở phần sát mặt đất. Vết bệnh ban đầu là những đốm đen ở cổ rễ sau đó lan dần làm cổ rễ teo tóp lại, màu nâu, thối. Lúc mới bị nhiễm bệnh, trên cây còn giữ được lá màu xanh trong vài ngày (nếu trời râm mát), sau đó toàn bộ cây sẽ bị héo rũ gục xuống, chết lụi từng đám rải rác trên ruộng hoặc từng vạt lớn nếu bị nhiễm bệnh nặng. Vào những ngày có nhiều sương mù hoặc lúc sáng sớm có thể thấy lớp tơ màu trắng bám nơi vết bệnh.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
– Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như rau, đậu, cà, bầu bí…
– Bệnh thường gây hại giai đoạn cây con trong vườn ươm đến 1 tháng sau khi trồng trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao hoặc mưa, nắng thất thường.
– Trong năm, bệnh thường xuất hiện và gây hại nhiều vào tháng 9 – 10 và tháng 2 – 4. Bệnh thường gây hại nặng ở những vườn ươm chuyên sản xuất cây giống hoặc vườn sản xuất đại trà liên tục nhiều năm; trên vùng đất sét, đất thịt nặng, những vùng đất ẩm ướt, trũng hoặc khó thoát nước.
– Nấm bệnh lưu tồn trong tàn dư cây bệnh và trong đất dưới dạng bào tử, hạch nấm hay sợi nấm; hạch nấm có thể sống trong nước hàng năm. Gặp điều kiện thuận lợi hạch nấm nảy mầm gây bệnh cho cây trồng, chúng thường lây lan trong môi trường nước và xâm nhập vào cây qua các vết thương cơ giới hoặc các lỗ khí khổng.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bệnh.
– Chọn nơi đất tốt, cao ráo, sử dụng phân chuồng đã được ủ hoai mục để làm vườn ươm.
– Cày ải phơi đất, khử trùng đất bằng vôi bột, bón phân hữu cơ hoai mục trước khi trồng.
– Lên luống cao, có rãnh thoát nước tốt.
– Trồng mật độ vừa phải nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển.
– Khi bệnh chớm xuất hiện, phun thuốc hoặc tưới gốc cây con bằng một trong những loại thuốc sau: Olicide 9SL (pha 30ml/10 lít nước), Amitagold 400SC/Asmiltatop Super (pha 16ml/bình 16 lít nước), Alvin.Bio 5SC/Mekongvil (pha 30ml/bình 16 lít nước), Kasugacin 3SL (pha 30-40ml/bình 16 lít).
8. BỆNH THÁN THƯ
Tác nhân: Do nấm Colletotrichum sp. gây ra.
Triệu chứng gây hại
– Trên lá, vết bệnh hình tròn hoặc không có hình dạng nhất định, xếp theo chiều dài của gân lá. Lúc đầu, đốm bệnh ở mặt dưới lá có màu nâu nhạt, sau chuyển màu nâu sậm, có viền đỏ, lan rộng và lõm sâu.
– Trên cuống lá và thân vết bệnh cũng lõm xuống tạo thành vết dọc màu nâu đen. Cây bị bệnh kém phát triển, lá vàng và rụng sớm.
– Trên trái ban đầu xuất hiện những đốm tròn nhỏ có màu xanh đậm, lõm xuống, hơi ướt, sau đó vết bệnh lớn dần có hình thoi đến bầu dục, màu vàng nhạt, xám hoặc đen, bên trong vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm, trên đó có những chấm nhỏ li ti màu vàng.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
– Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như ớt, cà chua, cà tím…
– Thời tiết nóng, mưa nhiều, ẩm độ cao thích hợp cho nấm phát triển. Trồng dày, bón thừa đạm cũng là điều kiện tốt cho bệnh thán thư phát triển mạnh. Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống, tàn dư thực vật hoặc sống trong đất 1-2 năm. Bào tử nấm phát tán nhờ gió, mưa, côn trùng và dụng cụ cắt tỉa…
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bệnh.
– Chọn giống kháng bệnh, không sử dụng hạt giống ở ruộng bị bệnh, xử lý hạt giống trước khi gieo.
– Tránh tưới nhiều nước vào chiều tối.
– Luân canh với cây trồng khác, không luân canh cây họ cà trong 2-3 năm.
– Khi bệnh chớm xuất hiện phải ngắt bỏ những trái bị bệnh và sử dụng luân phiên những loại thuốc sau để phòng trị sớm: Kempo 790SC (pha 32ml/bình 16 lít nước), Ky.Bul 72WP/Niko (pha 36 – 48g/bình 16 lít nước), Amitagold 400SC/Asmiltatop Super (pha 20ml/bình 16 lít nước).
9. BỆNH THỐI HẠCH (Thối gốc có tơ)
Tác nhân: Do nấm Slerotium rolfsii gây ra.
Triệu chứng gây hại
– Bệnh thường gây hại từ giai đoạn cây ra hoa đến thu hoạch.
– Nấm xâm nhiễm vào phần thân cây sát mặt đất, vết bệnh lúc đầu nhỏ màu nâu hơi lõm, vết bệnh lan dần bao quanh thân, gốc, xuống tận cổ rễ dưới mặt đất.
– Lá dưới gốc héo vàng và rụng, lá vàng tiếp tục lan dần lên ngọn làm cây khô chết hoàn toàn.
– Vết bệnh sát mặt đất thường có lớp nấm màu trắng, sợi nấm mọc lan ra mặt đất chung quanh gốc cây, tạo thành một lớp tản nấm màu trắng xốp.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
– Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 25-30oC, và ẩm độ cao.
– Nấm sinh sản bằng sợi nấm và hạch nấm. Sợi nấm dài, nhỏ như sợi bông trắng; hạch nấm hình cầu, hoặc không có hình dạng nhất định, màu đen nhỏ như hạt cải.
– Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như cà chua, ớt, bầu bí, đậu, cà rốt, hành…
– Nấm tồn tại trong tàn dư cây bệnh, trong đất, có thể sống tới 5 năm trong đất khô, 2 năm trong đất ẩm. Hạch nấm lan truyền theo nước, đất, giống cây bị nhiễm bệnh, …
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây trồng.
– Lên luống cao, có rãnh thoát nước tốt.
– Xử lý đất bằng vôi, bón phân hữu cơ trước khi trồng.
– Trồng giống cây sạch bệnh.
– Phủ đất bằng màng phủ nông nghiệp.
– Hạn chế tưới nhiều nước vào chiều tối.
– Luân canh với lúa nước.
– Phun thuốc ướt đều lên tán cây và tưới kỹ vào phần gốc để ngừa khi trong vườn mới xuất hiện bệnh: Prota 750 WG (pha 15g/16 lít nước), Kempo 790SC (pha 32ml/16 lít nước). Xử lý 2-3 lần cách nhau 7 ngày/lần.
10. BỆNH HÉO XANH
Tác nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra.
Triệu chứng gây hại
Cây đang sinh trưởng bình thường thì bị héo đột ngột trong khi lá vẫn còn xanh. Hiện tượng héo xảy ra ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây tươi lại, cứ như vậy sau 2 – 3 ngày cây không hồi phục được nữa và chết hẳn. Khi cắt ngang thân thấy mạch dẫn bị nâu đen, để vào trong ly nước trong thấy có những giọt dịch vi khuẩn màu trắng đục chảy ra.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
– Bệnh phát triển và lây lan trong điều kiện nhiệt độ cao, mưa nhiều. Trên đất cát pha, đất thịt nhẹ, trên ruộng thoát nước kém thì thường bị hại nặng. Bệnh gây hại năng giai đoạn cây ra hoa, hình thành quả và thu hoạch.
– Vi khuẩn có thể tồn tại trong hạt giống, tàn dư cây bệnh, cỏ dại trên 6 tháng, trong đất trên 1 năm.
– Vi khuẩn xâm nhập vào cây qua vết thương trên rễ, thân do côn trùng hoặc trong quá trình chăm sóc. Sau khi xâm nhập, chúng tấn công vào mạch dẫn của cây và di chuyển theo mạch dẫn làm hư bó mạch nên cây không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng dẫn đến cây héo và chết.
– Tốc độ xâm nhiễm và gây hại nhanh hay chậm tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng cây, ẩm độ đất và nhiệt độ môi trường.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tiêu hủy tàn dư cây bệnh.
– Trồng giống kháng bệnh.
– Xử lý hạt giống trong nước nóng 500C trong 25 phút.
– Bón phân cân đối; bón vôi, phân hữu cơ trước khi gieo trồng.
– Trong quá trình chăm sóc hạn chế làm sây sát, tổn thương cho cây.
– Luân canh với cây trồng khác họ, không luân canh với cây họ cà trong 2-3 năm.
– Khi trên ruộng xuất hiện triệu chứng cây bị bệnh phải tiến hành phun thuốc sớm, luân phiên những loại thuốc sau: Diệt khuẩn 8SL/Evanton (pha 8ml/bình 16 lít), Olicide 9SL (pha 30ml/10 lít nước), Bio.Bacteria 0.5SL/Elcarin(pha 16ml/bình 16 lít). Phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần.
11. BỆNH KHẢM (Xoăn lá)
Tác nhân: Do virus gây ra
Triệu chứng gây hại
– Bệnh thường gây hại ở giai đoạn cây ra hoa kết trái trở về sau.
– Bệnh làm cây sinh trưởng chậm, lá biến dạng xoăn vào trong hướng lên trên, lá biến màu vàng hoặc nhợt nhạt. Lá, hoa có khuynh hướng nhỏ lại về kích thước, số lượng hoa và chùm hoa giảm, trái nhỏ và chất lượng giảm. Bệnh nặng cây còi cọc, hoa bị vàng nhỏ và rụng, cây ít trái, trái nhỏ và vặn vẹo.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
– Bệnh phát sinh gây hại quanh năm, bị nặng trong mùa nắng nóng và nhẹ trong mùa mưa.
– Bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng như cà chua, ớt, dưa, khoai tây, đậu…
– Bệnh lây lan qua côn trùng chích hút như bọ trĩ, rầy mềm, bọ phấn…; qua cơ giới như dụng cụ lao động; qua hạt giống.
– Mật độ côn trùng chích hút càng cao thì tỉ lệ cây bị bệnh xoăn lá càng nhiều.
Biện pháp phòng trừ
– Trồng giống kháng bệnh.
– Bón phân đầy đủ, cân đối cho cây sinh trưởng tốt.
– Vệ sinh dụng cụ (dao, kéo) trước và sau mỗi lần cắt tỉa cành.
– Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bệnh.
– Phun thuốc trừ côn trùng chích hút Chat 20WP, Phenodan 20WP (pha 6g/16 lít nước), Smash 45EC (pha 40 ml/16 lít nước), Diafen 50WP/Kyodo (pha 32g/16 lít nước).
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH TM BIOVINA
🏢 Địa chỉ: 42 đường 37, KP7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM
☎ Hotline: 028.37.26.1475; Fax : 028.37.26.1476; Website: biovina.com.vn